Apple thời gian gần đây đã cung cấp giải pháp tự sửa thiết bị tại nhà, theo đó thay vì phải mang máy ra trung tâm bảo hành ủy quyền, giờ đây người dùng iPhone đã có thể tự thay linh kiện tại nhà.
Vào ngày 27/04, cửa hàng Self Service Repair của Apple đã được mở cho người dùng muốn tự thay linh kiện iPhone thay vì mang ra trung tâm bảo hành ủy quyền.
Sau khi nhận được thông tin trên, Sean Hollister, một biên tập viên của trang The Verge cho biết anh đã đăng ký dịch vụ để thay pin cho chiếc iPhone 13 mini và nhận thấy giải pháp tự sửa thiết bị tại nhà do Apple cung cấp trên thực tế khác xa so với tưởng tượng.
Cụ thể, thay vì hộp đựng tua vít, dao hay kìm, Apple gửi cho người dùng 2 chiếc thùng dụng cụ khổng lồ, nặng đến 35,8kg. Để nhận bộ dụng cụ này, người dùng phải thuê với giá 49 USD trong một tuần, cũng như đặt cọc 1.200 USD bằng thẻ tín dụng.
Nếu không trả dụng cụ đúng hạn hoặc làm hư hỏng, người dùng sẽ mất khoản tiền đã đặt cọc ở trên.
Theo Sean Hollister thì bộ dụng cụ của Apple chứa đầy đủ thiết bị cần thiết như máy gia nhiệt, vỏ cố định, sách hướng dẫn…
Trải nghiệm tự thay viên pin nặng 31gr cho iPhone tại nhà
Sean Hollister cho biết, bước đầu, anh bỏ iPhone vào chiếc túi sưởi, đặt lên máy gia nhiệt để rã lớp keo bao quanh màn hình. Trong lần thử đầu tiên này, chiếc máy đã báo lỗi.
Sau khi đọc tài liệu hướng dẫn, Sean đã khắc phục bằng cách xoay một nút tròn để tạo thêm áp lực cho cốc hút, dùng để tách màn hình khỏi thân máy.
Khi đã tách màn hình, anh dùng công cụ cắt keo của Apple để loại bỏ lớp keo còn sót lại giữa màn hình và thân máy. Bộ dụng cụ cũng kèm theo ốp cố định giúp thiết bị không xê dịch, tránh cắt nhầm vào cáp kết nối.
Tiếp theo, Sean sử dụng 3 mũi tua vít khác nhau để tháo ốc gắn vào cáp màn hình và loa dưới. Anh lưu ý rằng, do các mũi vít không được từ hóa nên những con ốc có thể rơi nếu người dùng bất cẩn.
Chiếc iPhone 13 mini sau khi tách màn hình, xung quanh vẫn dính keo. Sean mở túi đựng pin và thay theo hướng dẫn. Bộ dụng cụ của Apple cũng kèm thiết bị cố định pin và lớp keo mới vào thân máy.
Sau đó, Sean sử dụng máy ép màn hình vào khung của iPhone. Những dụng cụ của Apple được thiết kế với độ chính xác cao, giúp lắp các thành phần vào đúng vị trí với lực vừa đủ. Tuy vậy, anh khuyến cáo người dùng cần lột sạch lớp keo cũ bởi màn hình có thể không phẳng hoàn toàn sau khi lắp lại vào khung điện thoại.
Sau khi cắm sạc và mở nguồn, điện thoại hiện thông báo linh kiện không chính hãng. Do đó, Sean cần liên hệ với dịch vụ cung cấp phụ kiện được Apple ủy quyền. Quy trình liên lạc cần máy tính và kết nối Wi-Fi bởi người dùng phải tắt điện thoại, vào chế độ chẩn đoán để kỹ thuật viên truy cập và xác nhận linh kiện.
Chi phí tự sửa iPhone tại nhà
Về chi phí, Sean phải trả 69 USD cho viên pin, bằng với giá thay tại các trung tâm bảo hành được ủy quyền, 49 USD để thuê bộ dụng cụ trong một tuần và khoản cọc 1.200 USD giữ trong thẻ tín dụng.
Apple miễn phí vận chuyển 2 chiều cho bộ dụng cụ.
Qua trải nghiệm trên, Sean Hollister cho rằng quy trình tự sửa chữa thiết bị Apple không hề dễ dàng. Những linh kiện được gắn với số IMEI của iPhone, trong khi người dùng đối mặt nguy cơ mất khoản cọc 1.200 USD.
Anh cho rằng nếu không có kinh nghiệm, người dùng vẫn nên liên lạc trung tâm bảo hành hoặc các kỹ thuật viên để được hỗ trợ bởi chi phí giữa 2 giải pháp không quá chênh lệch.